Hỗ trợ 24/7

0395 393 482

Làm việc

6h00 - 17h30

Tìm kiếm nhanh

CHÂN DUNG CÁC THẾ HỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG KỶ NGUYÊN 4.0

Khái Quát Về Các Thế Hệ Khách Hàng

Những thành tựu của các cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã làm thay đổi phương thức con người giao tiếp với nhau trong xã hội. Trong đó, ngành marketing cũng có những chuyển biến rõ nét và phải luôn tự đổi mới để phù hợp với sự thay đổi trong hành trình ra quyết định mua của người tiêu dùng. Với vai trò là “người thỏa mãn nhu cầu” thì việc hiểu những điều khách hàng quan tâm, mong muốn, những gì tác động đến tiến trình mua sắm của họ,… vẫn luôn là những vấn đề mà doanh nghiệp không ngừng tìm tòi, khám phá. Chiến lược marketing của doanh nghiệp cũng được hoàn thiện và đổi mới để theo kịp với những thay đổi trong hành trình mua sắm của khách hàng. Những người tiêu dùng hiện nay bao gồm nhiều thế hệ khác nhau và mỗi thế hệ lại có những đặc điểm hành vi riêng. Mỗi thế hệ có những kỳ vọng riêng về dịch vụ khách hàng, nhu cầu mua sắm và chịu ảnh hưởng khác nhau từ đặc thù văn hóa, xã hội ở giai đoạn mà họ sống. Marketing theo thế hệ là phương pháp tiếp thị sử dụng phân đoạn thế hệ trong việc xây dựng và thực thi chiến lược.

Theo Julia Lewis (2015), các thế hệ khách hàng được chia làm 5 nhóm:

Thế hệ Matures: Sinh trước năm1945

Thế hệ Baby Boomers: Sinh năm 1946 - 1960

Thế hệ X: Sinh từ năm 1961-1981

Thế hệ Y: Sinh từ năm 1982 - 2000

Thế hệ Z: Sinh từ năm 2000 - Hiện tại

Thế hệ Matures

Đây là thế hệ lâu đời nhất hiện nay và phần lớn trong số đó đã nghỉ hưu (trên 73 tuổi). Đây là thế hệ trải qua những giai đoạn lịch sử lâu đời với các cuộc chiến tranh, họ trân trọng những giá lịch sử, xã hội, họ có xu hướng hoài cổ, yêu thích hoà bình và sự tự do. Thế hệ Matures thường có xu  hướng tiêu dùng tiết kiệm. Thế hệ này thường được cho là nhóm có xu hướng không am hiểu về công nghệ. Tuy nhiên, nhóm này lại có thể tiếp cận công nghệ thông qua thế hệ khác, đây là nhóm người chấp nhận muộn với công nghệ và đa số trong số họ có thể cảm thấy không hòa nhập được với các vấn đề liên quan tới công nghệ.

Thế hệ Matures mong đợi sự chú ý, quan tâm đến mỗi cá nhân. Do đó, cách hoàn hảo để hỗ trợ nhóm này sẽ tập trung vào việc đối xử với họ như những cá nhân, làm cho họ cảm thấy họ đặc biệt, kiên nhẫn và mang lại cảm hứng cho họ, hướng dẫn họ trải nghiệm với công nghệ sẽ khuyến khích họ tham gia tích cực hơn trong quá trình trải nghiệm công nghệ. Với nhóm người tiêu dùng trong thế hệ này, công cụ hỗ trợ từ xa đặc biệt là kênh điện thoại là công cụ hỗ trợ hiệu quả đối với họ, giảm khoảng cách về công nghệ. Bên cạnh đó, nhóm này có xu hướng tiếp cận các doanh nghiệp thông qua những phương tiện truyền thống như sách, báo chí,…

Đặc điểm của thế hệ Matures có thể khác nhau ở mỗi quốc gia. Ở các nước phương Tây, nhóm người tiêu dùng này họ vẫn là người mua sắm sản phẩm đáp ứng nhu cầu cá nhân, chủ yếu là sản phẩm đồ ăn, sức khỏe hoặc họ được bảo trợ bởi các viện dưỡng lão, trung tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Còn ở các nước phương Đông, thế hệ này vẫn là một thành viên của gia đình, tuy nhiên quyết định mua sắm của họ phụ thuộc phần lớn vào các thế hệ khác trong gia đình. 

Thế hệ Baby Boomers

Hiện này, những người thuộc thế hệ này ở độ tuổi 58-72 tuổiHọ được xem là những người chấp nhận công nghệ sớm hơn, họ sống lạc quan, đơn giản hơn. Người tiêu dùng thế hệ này tập trung nhiều hơn vào sức khỏe, ăn uống, giải trí và dành thời gian cho gia đình. Mặc dù các kỹ năng công nghệ của nhóm này được cải thiện rất nhiều so với thế hệ Matures nhưng họ cũng đang trong giai đoạn làm quen với công nghệ. Thế hệ Baby Boomers có thể sử dụng những phương tiện truyền thông xã hội như Twitter và Facebook, chia sẻ trải nghiệm của họ và truyền bá thông tin về doanh nghiệp liên quan đến họ. Nếu như thế hệ sau, có thể thực hiện mua sắm trực tuyến thì thế hệ Baby Boomers lại thường truy cập trực tuyến để tra cứu thông tin liên hệ hoặc những thông tin thị trường có liên quan đến doanh nghiệp.

Theo Rieva Lesonsky (2016) thì thế hệ Baby Boomer là những người có thời gian trải nghiệm và mua sắm kéo dài nhiều năm. Do đó, việc cung cấp trải nghiệm tại cửa hàng phù hợp với nhu cầu cụ thể của họ là việc cần thiết đối với các doanh nghiệp hiện nay. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc tương tác với nhân viên cửa hàng. Baby Boomers cũng có xu hướng trung thành với các thương hiệu và cửa hàng mà họ thích. Việc triển khai chương trình khách hàng thân thiết là một cách hiệu quả để đưa khách hàng này trở lại cửa hàng và trung thành với thương hiệu . Ngoài ra, thế hệ Baby Boomers bị thu hút bởi tiêu dùng tiết kiệm. Việc sử dụng các chương trình giảm giá, khuyến mãi là những công cụ thu hút nhóm người tiêu dùng thuộc thế hệ này.

Thế hệ X

Thế hệ X hiện này ở độ tuổi 37-57 tuổi. Xét về góc độ thu nhập, đây là thế hệ có thu nhập cao với sự ổn định trong công việc và sự nghiệp. Họ có những nguồn thu ổn định và hoạch định sử dụng tài chính khá rõ ràng.

Tâm lý Thế hệ X (Gen X) phản ánh sự chuyển dịch từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế dịch vụ. Thế hệ này đã nhanh chóng thích nghi với lối sống kỹ thuật số, với sự xâm nhập của điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính và sử dụng TV kết nối Internet. Các hoạt động trực tuyến phổ biến trong Thế hệ X bao gồm Mạng xã hội (chủ yếu qua Facebook, Twitter và YouTube), ngân hàng, mua sắm và trò chơi trực tuyến. Thế hệ X nỗ lực tìm kiếm thông tin liên quan đến mua hàng và rất giỏi trong việc tìm kiếm, họ có xu hướng sử dụng thông tin để đảm bảo rằng họ là những tiêu dùng thông minh và đang nhận được lợi ích tốt nhất có thể. Nhà quảng cáo có thể tiếp cận trực tuyến Gen X thông qua quảng cáo trực tuyến có lập trình được nhắm mục tiêu, tiếp thị qua email với cách chào hàng được cá nhân hóa, trang web. Quảng cáo thông qua các kênh số hóa được coi là kênh có thể tiếp cận được thế hệ X nhưng phương tiện truyền thông truyền thống (báo chí, tivi) vẫn đóng vai trò quan trọng trong lối sống của thế hệ X. Ngoài ra, các quyết định mua hàng của họ còn chịu ảnh hưởng nhiều bởi ý kiến của gia đình, bạn bè, quảng cáo truyền hình, email, đánh giá trực tuyến và thậm chí cả thư trực tiếp.

Về tiêu dùng, Thế hệ X có xu hướng tiết kiệm tiêu dùng, giành một khoản thu nhập mua sắm sản phẩm nhà đất, khởi nghiệp kinh doanh, đầu tư cho con cái hoặc tiết kiệm tiền cho giai đoạn về hưu,…Do đó, thế hệ này cũng bị thu hút bởi các chương trình giảm giá, khuyến mãi từ phía các doanh nghiệp. Thế hệ này ít thay đổi theo các xu hướng và có khả năng mua một dịch vụ hoặc sản phẩm dựa trên lợi ích cho xã hội hay thân thiện với môi trường.

Thế hệ Y - Millennials

Độ tuổi hiện nay của thế hệ Y là 22-37 tuổi, họ được coi là lực lượng lao động chính của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Cụm từ thế hệ Y (Gen Y) lần đầu tiên xuất hiện vào tháng 8/1993, trong một bài báo của tờ Ad Age. Cụm từ này được dùng để mô tả những đứa trẻ của "thời đại ngày nay" và lấy năm 1982 là mốc bắt đầu có những đứa trẻ thế hệ Y được sinh ra. Thế hệ Y còn có một vài cái tên khác như Generation We (thế hệ chúng tôi), Global Generation (thế hệ toàn cầu), Generation Next (thế hệ tiếp theo) hay Net Generation (thế hệ Internet). Sự khác biệt lớn nhất giữa thế hệ X và Y là những trẻ em ở thời thế hệ X thường được gọi là thế hệ bị bỏ rơi – được nuôi dưỡng tại một thời điểm khi mà cả bố và mẹ đều phải đi làm và để những đứa bé tự xoay sở ở nhà một mình. Trong khi đó thế hệ Y được coi là thế hệ nhận được sự chăm sóc của bố mẹ đầy đủ nhất trong lịch sử.

Thế hệ này lớn lên với máy tính, Internet. Sự quen thuộc này làm cho họ thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ và nhanh chóng hòa nhập với những thay đổi trong môi trường số hóa. Sự nhạy bén, giỏi công nghệ và biết cách ứng dụng công nghệ là một lợi thế lớn của thế hệ này. Đặc biệt, trong kỷ nguyên công nghệ số, sự linh động và nhạy bén của họ sẽ càng được phát huy. Millennials ngày nay thường tương tác với các nhãn hiệu qua mạng xã hội. Họ dành nhiều thời gian lướt các trang mạng xã hội và từ đó tương tác qua lại với các nhãn hiệu và với cộng động mạng. Tận dụng điều này, các thương hiệu đã sử dụng mạng xã hội để tăng cường độ nhận diện thương hiệu. Những người thuộc thế hệ Y cũng thường có xu hướng bỏ qua các phương tiện quảng cáo truyền thống như quảng cáo báo chí hoặc quảng cáo truyền hình. Họ sống trong môi trường công nghệ, am hiểu và thành thạo trong việc sử dụng công nghệ, do đó họ mong đợi các liên lạc tức thời, được cá nhân hóa trên các kênh và thiết bị mà họ đã quen sử dụng. Thế hệ Y được coi là thế hệ mua sắm “trải nghiệm” chứ không phải mua sản phẩm. Điều này đòi hỏi chiến lược Marketing của các doanh nghiệp tập trung vào việc tạo ra trải nghiệm cho họ thông qua hệ thống đa kênh tích hợp, doanh nghiệp phải xây dựng mối quan hệ và duy trì sự tương tác với khách hàng thuộc thế hệ này thông qua việc kết hợp nhiều kênh khác nhau cả online và offline.

Người tiêu dùng thế hệ Y đề cao tính cá nhân hóa, họ mong muốn làm việc với thương hiệu như với một con người thực sự, thương hiệu đó phải thể hiện được sự đồng cảm với họ và tạo ra được những giá trị cho cộng đồng xã hội.

Thế hệ Z - Centennial

Nhìn từ góc độ sở hữu các loại thiết bị thì thế hệ Z (Gen Z) giống như thế hệ Z nhưng giữa hai thế hệ tồn tại một số khác biệt quan trọng. Thế hệ Z thích truyền thông qua hình ảnh, sử dụng cùng lúc nhiều mạng xã hội để kết nối. Họ ít xem tivi, nghe radio hay xem báo in so với các thế hệ trước, họ ghét bị quảng cáo tấn công và muốn các thương hiệu tôn trọng không gian trực tuyến của họ. Hoàng Nam Lê (2018) cho rằng với sự tương tác chặt chẽ với smartphone, thế hệ Z có nhu cầu phát sinh tức thời trong từng khoảng khắc (các nhu cầu này gọi là các Micro moment); thời gian xuất hiện ngắn ngủi như vậy trong ngày đòi hỏi phải có chiến lược phù hợp nắm bắt được và tận dụng; thế hệ Z được xem là một thế hệ khó tính; lòng trung thành với thương hiệu của nhóm tiêu dùng này thường không bền vững. Với Gen Z, họ sẵn sàng thay đổi thương hiệu để tìm đến một sản phẩm có chất lượng cao hơn. Bên cạnh đó, thế hệ Z dường như không có niềm tin vào những gì họ đang nhìn thấy và nghe thấy từ thế giới này.

Việc thế hệ Z đang dần thay đổi cách thức và nhu cầu mua sắm buộc các công ty thương mại điện tử phải thiết lập các cửa hàng offline có chức năng hỗ trợ giao dịch trực tuyến và ngược lại các hệ thống bán lẻ phải có kênh thương mại điện tử để trở thành đa kênh. Vấn đề không phải là online hay offline mà vấn đề là thương hiệu có nhiều kênh để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu “sẵn có” của thế khách hàng mới này mọi lúc, mọi nơi.

Ly Pham (2017) cho rằng thế hệ Z lại là thế hệ đóng vai trò then chốt trong tương lai gần với những hành vi mua sắm khác biệt. Do được sinh trưởng trong thời đại công nghệ, thế hệ Z được biết đến là thế hệ “kĩ thuật số” và liên kết mạnh mẽ với các thiết bị di động. So với các thế hệ trước đó thì họ là các chuyên gia sử dụng smartphone, mạng xã hội và các ứng dụng trên smartphone. Đây cũng là thế hệ chịu ảnh hưởng sâu sắc của các đánh giá ngang hàng (từ bạn bè, người thân, người ảnh hưởng…).

Như vậy, về cơ bản tồn tại 5 thế hệ khách hàng. Mỗi nhóm khách hàng có những đặc điểm riêng và có hành trình mua sắm và trải nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay các nhà marketing phân loại riêng một nhóm gọi là “connected spender- người tiêu dùng kết nối” (Riobook, 2018)

Người tiêu dùng kết nối - connected spender

“Người tiêu dùng kết nối” hay người tiêu dùng 4.0 là một tập hợp rộng hơn và có tốc độ tăng trưởng người dùng nhanh, họ là những người tiêu dùng tiếp cận với mạng internet, hiểu biết về công nghệ, kĩ thuật số và sẵn sàng mua sắm trong khoản thu nhập (thậm chí vượt ngoài khoản thu nhập mà họ có). Nhóm người tiêu dùng kết nối thích ứng với thời đại công nghệ, dựa nhiều vào những đánh giá từ cộng đồng trước khi mua sản phẩm, nghiên cứu rất kỹ thông tin sản phẩm (phản hồi, độ uy tín thương hiệu, giảm giá…) trên kênh cung cấp thông tin, mạng xã hội, website của nhãn hàng và trang thương mại điện tử. Đây là điển hình của người mua sắm đa kênh- omnichannel; họ tham gia mua sắm ở cả các cửa hàng thực tế và cả các trang mua sắm trực tuyến.

Theo kết quả nghiên cứu của Nielsen (2017), đến năm 2025, NTD kết nối sẽ chiếm gần 40% dân số toàn cầu và đóng góp hơn 50% tổng mức tiêu dùng hằng năm trên toàn thế giới. Nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và các nền tảng kinh doanh dựa trên công nghệ, châu Á Thái Bình Dương sẽ là khu vực có mức độ tăng trưởng về số lượng NTD kết nối cao nhất toàn cầu, đặc biệt là các thị trường đang phát triển như Indonesia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Tại Việt Nam, số lượng người tiêu dùng kết nối  sẽ tăng từ 23 triệu người năm 2015 lên tới 40 triệu người trong năm 2025. Uớc tính cũng trong năm này họ sẽ chiếm khoảng một nửa tổng tiêu dùng hàng năm.

Chiến Lược Marketing Cá Nhân Hóa Người Tiêu Dùng 4.0

Marketing theo thế hệ phác họa bức tranh tổng thể về các thế hệ và hành vi của họ trong tiến trình mua sắm. Đây là một trong những căn cứ quan trọng để các doanh nghiệp có thể hiểu và qua đó tác động vào tiến trình mua sắm đó nhằm đạt được những mục tiêu cụ thể của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Marketing theo thế hệ chỉ mang tính định hướng chung cho các doanh nghiệp. Hiện nay, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tác động đến mọi mặt đời sống, làm thay đổi hành vi, thói quen mua sắm của khách hàng. Quy trình bán hàng từ đó thay đổi theo buộc các doanh nghiệp phải chuyển mình để kịp thời cung ứng những giá trị phù hợp với các tiêu chí mà khách hàng thời đại công nghệ 4.0 đặt ra. Việc phân khúc khách hàng theo các thế hệ vẽ bức tranh tổng thể thì chân dung khách hàng với phiên bản số hóa hoàn toàn khác. Trong 5 thế hệ người tiêu dùng, thì bức chân dung được phác họa rõ nét nhất cho người tiêu dùng kết nối bởi vì họ là những người sử dụng công nghệ số một cách khá trọn vẹn để thực hiện hành trình mua sắm của mình. Khi trở thành người tiêu dùng kết nối, Gen Y hay Gen Z họ trở thành những cá thể với bản sắc riêng chứ không phải là thành phần chung chung của thế hệ nữa. Marketing thế hệ lúc này chỉ xem là kênh tham chiếu cho các doanh nghiệp. Marketing cá nhân hóa ra đời và nó chứng minh sự ưu việt trong việc đáp ứng người tiêu dùng số.

Chiến lược Marketing cá nhân hóa

Marketing cá nhân hóa hay marketing one to one (1-1) là chiến lược marketing mà trong đó, các công ty dựa trên các số liệu phân tích để đưa ra thông điệp được chọn lọc, “cá nhân hóa” tới từng khách hàng tiềm năng (Ngọc Mai, 2018). Thông qua dữ liệu lớn - big data được thu thập từ các công cụ số, từ hoạt động nghiên cứu marketing, doanh nghiệp có thể vẽ chân dung của từng khách hàng và truyền tải thông điệp truyền thông phù hợp và dành riêng cho họ. Với chiến lược marketing 1-1 giúp doanh nghiệp và khách hàng thực sự hiểu rõ về nhau, khách hàng cảm giác họ được lắng nghe hay thấy mình trở nên quan trọng. Khi đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng trở thành mối quan hệ của những người bạn – người đồng hành.

Marketing cá nhân hóa nhấn mạnh vào 4 vấn đề: đúng nội dung, đúng đối tượng, đúng thời điểm và kênh truyền thông phù hợp (right content, right people, right time, right channel) (Tăng Khánh, 2017). Hay nói cách khác, một thông điệp truyền thông theo chiến lược marketing cá nhân hóa xác định cụ thể người  nhận là ai với nội dung phù hợp với họ và thông điệp đó được truyền tải thông qua phương tiện mà họ có thể tiếp cận được một cách tối ưu vào một thời điểm phù hợp. Để thực hiện được một chiến dịch marketing cá nhân hóa thành công, doanh nghiệp cần phải xác định đúng insight khách hàng một cách chính xác, cẩn thận. Sau khi thu thập được thông tin về thị trường, xác định đối tượng mục tiêu, markerter xây dựng chiến lược quảng bá bám sát với nhu cầu và thói quen của người mua. Nhưng thay vì hướng tới một nhóm khách hàng nhất định, cá nhân hóa “đánh” thẳng vào từng con người cụ thể, khiến đối tượng ấy cảm thấy thông điệp hay sản phẩm của thương hiệu chỉ dành riêng cho mình.

Cá nhân hóa người tiêu dùng thông qua Big data

Hàng ngày, thế hệ người tiêu dùng kết nối trong kỷ nguyên 4.0 sử dụng điện thoại, máy tính bảng, bảng điều khiển trò chơi và hầu hết các ứng dụng, các kênh kết nối đều được thực hiện qua các thiết bị này. Khi di chuyển giữa các thiết bị và kênh, họ đang tạo ra nhiều điểm tiếp xúc, kết nối giữa các thiết bị khác nhau mà không hề hay biết. Toàn bộ hành trình của khách hàng diễn ra trên các thiết bị số được lưu trữ lại vào tạo nên bộ dữ liệu (big data) làm căn cứ cho các nhà marketing đưa ra chiến lược phù hợp.  Big data là một thuật ngữ chỉ việc xử lý một tập hợp dữ liệu rất lớn và phức tạp mà các ứng dụng xử lý dữ liệu truyền thống không xử lý được. Bao gồm các cách thức phân tích, thu thập, giám sát dữ liệu, tìm kiếm, chia sẻ, lưu trữ, truyền nhận, trực quan, truy vấn và tính riêng tư. Thuật ngữ này thường chỉ đơn giản đề cập đến việc việc sử dụng các phân tích dự báo, phân tích hành vi người dùng, hoặc một số phương pháp phân tích dữ liệu tiên tiến khác trích xuất giá trị từ dữ liệu mà ít khi đề cập đến kích thước của bộ dữ liệu. Bộ dữ liệu lớn được tạo ra xung quanh khách hàng dựa trên các lần mua hàng trực tuyến, nhấp chuột trên web, hoạt động truyền thông xã hội, thiết bị kết nối thông minh, vị trí địa lý … Khách hàng tạo dữ liệu mới ở mọi bước họ làm, khi nhấp qua các trang web hoặc dữ liệu phi cấu trúc khi đăng ý kiến trên Facebook,… Ngô Linh (2018) khẳng định rằng việc sử dụng các công nghệ dữ liệu và phương pháp phân tích dữ liệu lớn sẽ giúp các nhà marketing có thể khai thác, kết hợp và phân tích cả hai loại dữ liệu trong thời gian thực gần, giúp khám phá các mẫu ẩn như cách các nhóm khách hàng khác nhau tương tác và cách điều này dẫn đến các quyết định mua hàng. Những tiến bộ trong công nghệ như tính toán trong bộ nhớ và sự gia tăng của các nền tảng song song mã nguồn mở khổng lồ là những cơ hội để khai thác các tập dữ liệu lớn. Những nền tảng dữ liệu lớn này tạo điều kiện cho việc nhập dữ liệu nhanh theo cách hiệu quả về chi phí và cho phép phân tích dữ liệu trong thời gian thực.

Với việc sử dụng big data giúp biến đổi các vai trò marketing truyền thống và cải tiến cách thực hiện các chức năng marketing cần thiết. Các chuyên gia marketing đang thu thập dữ liệu được sản xuất từ nhiều nguồn tiếp xúc trực tiếp của khách hàng để vẽ ra một bức tranh toàn cảnh về hành vi của mỗi khách hàng. Phân tích khối lượng dữ liệu này đang chuyển động cho phép các nhà hoạch định chiến lược điều chỉnh các mô hình phân khúc khách hàng và áp dụng những hiểu biết để phát triển các chiến lược tương tác của khách hàng và nâng cao giá trị tương tác của khách hàng. Khi số lượng kênh khách hàng tăng, các nhà marketing cần đảm bảo rằng họ đang cung cấp trải nghiệm phù hợp trên tất cả các kênh. Lúc này big data giúp doanh nghiệp nhận được các phản hồi từ phía khách hàng hoặc bắt kịp xu hướng mới nhất. Phân tích big data là một hành trình giúp các tổ chức giải quyết các vấn đề kinh doanh chính bằng cách chuyển đổi dữ liệu thành thông tin chi tiết để đưa ra những quyết định kinh doanh tốt nhất. Khi các công ty cố gắng tận dụng những lợi ích mà Big Data đem lại, họ hoàn toàn có thể chủ động trước các thay đổi của thị trường.

Như vậy, thông qua big data, doanh nghiệp hoàn toàn có thể phác họa được bức chân dung về mỗi người tiêu dùng số hóa – thành phần thế hệ người tiêu dùng kết nối, và thông qua đó doanh nghiệp thực sự hiểu điều mà họ muốn, họ quan tâm và đưa ra chiến lược marketing phù hợp với họ.

Kết Luận

Thấu hiểu người tiêu dùng luôn là căn cứ quan trọng trong việc thiết lập chiến lược marketing của doanh nghiệp, trên cơ sở đó, doanh nghiệp không còn đứng trên vai trò là nhà cung cấp dịch vụ mà trở thành người bạn đồng hành của mỗi người tiêu dùng. Trong bối cảnh hiện nay, bức tranh tổng thể về khách hàng phác họa chân dung của năm thế hệ khách hàng. Mỗi thế hệ khách hàng có những đặc trưng riêng trong hành vi, hành trình trải nghiệm sản phẩm và cách họ tiếp xúc với doanh nghiệp, với thương hiệu. Dựa trên bức tranh tổng thể này sẽ định hướng cho các doanh nghiệp trong việc thiết lập chiến lược phù hợp với từng nhóm khách hàng. Trong đó, các nhóm khách hàng truyền thống bao gồm: thế hệ Matures, thế hệ Baby Boomers, thế hệ X là những thế hệ mới làm quen với những thiết bị công nghệ, hành trình trải nghiệm sản phẩm chủ yếu của họ vẫn được thực hiện thông qua các kênh truyền thống, do đó việc phân tích hành vi của từng đối tượng khách hàng trong các nhóm này chủ yếu dựa trên dữ liệu về lịch sử mua hàng offline; đối với nhóm người tiêu dùng kết nối (Gen Y và Gen Z) là những người tiếp xúc và trải nghiệm công nghệ như một thói quen trong cuộc sống hàng ngày, toàn  bộ trải nghiệm của họ được ghi nhận lại và tạo nên bộ dữ liệu lớn – big data, và thông qua dữ liệu này các nhà làm marketing có thể thấu hiểu từng khách hàng và đưa ra chiến lược phù hợp với từng cá nhân khách hàng. Khi đó, thay đổi mối quan hệ giữa doanh nghiệp và khách hàng, họ thực sự trở thành bạn đồng hành của nhau, quan tâm và thấu hiểu, gắn bó lâu dài với nhau.

 

CÔNG TY TNHH TM THỰC PHẨM HOÀNG PHÁT 

Địa chi: 222 Lã Xuân Oai, Tăng NHơn Phú A, Quận 9

Tel: 0902 887 989 - 0788 396 688

Email: mr.hoangphat8866@gmail.com

Website: hoangphatfood.com

Tin liên quan
Chi nhánh 1
Công ty

CHÂN DUNG CÁC THẾ HỆ NGƯỜI TIÊU DÙNG TRONG KỶ NGUYÊN 4.0

Zalo
Hotline tư vấn miễn phí: 0395 393 482